Bấm lỗ tai cho bé bị mưng mủ

Bấm lỗ tai cho các bé, đặc biệt là các bé gái là điều rất đỗi bình thường và hầu như gia đình nào có con gái cũng thực hiện cho bé nhà mình. Tuy nhiên, khi ba mẹ quyết định xỏ lỗ tai cho bé khi còn nhỏ thì cần phải tìm hiểu thật kĩ cách làm và các biện pháp khắc phục nhiễm trùng tai cho bé. Nếu các phụ huynh không cẩn thận thì việc tai bé bị mưng mủ khi bấm lỗ tai hoàn toàn có thể xảy ra và gây nguy hiểm cho bé sau này. Vì vậy khi quyết định xỏ lỗ tai cho bé, ba mẹ nên lưu ý những điều sau:

Chọn thời điểm

Theo như lời khuyên của các chuyên gia thì các mẹ hãy đợi khi bé đủ 6 tháng tuổi thì mới nên bấm lỗ tai cho bé. Không nên xỏ lỗ tai cho bé trước 6 tháng tuổi dù bé có khỏe mạnh đến thế nào đi nữa.

Cơ thể của các bé dưới 6 tháng tuổi rất mỏng manh, dễ bị tổn thương dù chỉ là một “cú chích” nhỏ. Lúc này, hệ miễn dịch của bé vẫn còn rất yếu ớt nên việc nhiễm trùng rất dễ xảy ra.

Tại rất nhiều nước trên thế giới, điển hình như Philippin, thì độ tuổi các bé gái được bấm lỗ tai thường là 10 tuổi. Nguyên nhân là vì càng lớn tuổi, trẻ nhỏ sẽ càng có khả năng chịu đựng được cơn đau và kháng lại với những điều kiện xâm nhập của vi khuẩn.

Lựa chọn địa chỉ bấm lỗ tai cho bé?

Tốt nhất bạn hãy đến các cơ sở y tế uy tín hay các địa chỉ bác sĩ nhi khoa tay nghề cao ở nơi bạn ở để bấm lỗ tai cho bé. Để có thể đảm bảo con bạn có một quá trình bấm lỗ tai an toàn và sạch khuẩn, tránh những rủi ro không đáng có xảy ra.

Nếu gần nơi bạn sinh sống không có cơ sở hay bác sĩ nào đủ điều kiện, bạn nên đợi đến khi bé lớn hơn hoặc đến  những thành phố lớn để tìm các trung tâm và bệnh viện uy tín để làm cho bé, đừng tùy tiện làm vội cho bé. Bạn nên quan sát thật kỹ địa điểm và cách thức bấm lỗ tai của họ, đảm bảo người đó rửa tay sạch, đeo găng tay, sát trùng tai trẻ bằng cồn và hoa tai cũng cần được sát trùng trước khi đeo cho trẻ.

Cẩn thận với chỉ xỏ tai

Thông thường, sau khi xỏ lỗ tai cho bé gái, các mẹ sẽ luồn qua lỗ tai bé một sợi chỉ trước khi mang bông tai. Sợi chỉ này nên có độ dài vừa phải, không nên quá dài tránh trường hợp bé quơ tay hay đụng vào vật cản làm đứng dây chỉ làm chảy máu tai của bé.

Nên lựa chọn bông tai được làm từ kim loại nào?

 

Khuyên tai làm bằng thép không rỉ luôn là lựa chọn tốt nhất cho bé, vì kim loại này không mạ niken hay bất cứ hợp kim nào có thể gây ra dị ứng. Dị ứng niken và coban rất thường xảy ra ở trẻ em và người lớn. Theo các chuyên gia khuyến cáo thì các mẹ nên tránh đeo cho bé các loại khuyên tai chứa các kim loại này.

Ngoài việc đeo khuyên tai bằng thép không rỉ, các mẹ có thể lựa chọn cho bé loại bông tai được làm từ bạch kim, titan hay vàng 14K đều được. Điều quan trọng cần lưu ý khi bấm lỗ tai cho bé là tìm hiểu về loại bông tai được làm bằng kim loại nào phù hợp với bé và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để việc đéo bông tai cho bé trở nên an toàn hơn.

Cách giúp trẻ giảm đau khi bấm lỗ tai

Tại nơi bấm lỗ tai cho bé, người thực hiện sẽ dùng thuốc gây tê chứa lidocaine lên dái tai trẻ hoặc bôi một lớp kem lên dái tai trước khi bấm lỗ tai từ 30 – 60 phút. Các chuyên gia khuyên rằng nên chườm đá từ 15 – 30 phút trước khi bấm lỗ tai có thể làm tê liệt các thụ thể đau ở tai. Bạn nên bọc cục đá trong một chiếc khăn mỏng để tránh gây khó chịu cho bé.

Dù đã áp dụng những biện pháp giảm đau cho bé nhưng bạn cũng không thể giúp bé hết đau hoàn toàn. Do đó, bạn nên khuyến khích bé hít thở đều để cảm giác đau trải qua nhanh chóng.

Chăm sóc lỗ tai bé sau khi bấm

Sau khi bấm lỗ tai cho bé, để tránh nhiễm trùng, mẹ hãy giữ dái tai bé luôn luôn sạch sẽ. Mẹ nhớ rửa sạch cả mặt trước và mặt sau dái tai của bé hai lần một ngày bằng xà phòng hoặc dung dịch nước muối sinh lý.

Mẹ có thể thông lỗ xỏ bằng cách trượt đi trượt lại sợi chỉ hoặc bông tai. Không tháo bông tai hoặc sợi chỉ xỏ ít nhất 6 tuần sau khi xỏ vì nếu mẹ làm thế, lỗ tai sẽ ngay lập tức bít lại. Sau sáu tuần, có thể bỏ bông tai bằng chỉ và thay thế bằng bông tai vàng hay bạch kim. Nên nhớ, khi đã đeo phải cho bé đeo liên tục trong vòng 6 tháng để các lỗ tai sẽ vĩnh viễn hình thành lỗ xỏ nhé!

Dấu hiệu nhiễm trùng

Biểu hiện nhiễm trùng khi bấm là tai là tai bé bị đau, sưng tấy, nổi đỏ, có mủ xung quanh cùng với các triệu chứng khác do phản ứng của bông tai kim loại gây ra( khô da, nứt nẻ, sưng tấy và ngứa). Bạn nên vệ sinh vị trí dị ứng bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng. Nếu không có cải thiện trong 2 ngày thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

Nếu bé bị dị ứng với kim loại, mẹ nên chọn bông tai có chất liệu khác để thay thế. Nếu do nhiễm trùng, mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ để giúp bé điều trị kịp thời nhé.

Cảm ơn các bạn đã the dõi bài viết, chúc các bạn một ngày tốt lành.

Để lại một bình luận